Nồi áp suất sử dụng sử dụng bằng gas hay bếp củi hiện nay đã không còn quá xa lạ đối với các gia đình. Nhưng tại các siêu thị điện máy chúng ta lại thấy sự xuất hiện của nồi áp suất điện. Nồi áp suất điện có 2 loại đó là điều khiển bằng cơ và điều khiển bằng bo mạch điện tử. Vậy nồi áp suất điều khiển cơ và điều khiển điện tự khác nhau như thế nào? Trong bài này các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé.
Phương thức điều khiển
Dĩ nhiên, khác biệt đầu tiên của hai loại nồi áp suất điện này là ở cơ chế điều khiển nồi.
Nồi áp suất điện điều khiển cơ chỉ có 1 núm xoay bằng tay để cài đặt thời gian nấu, núm xoay này có thể vặn ngược lại khi cần. Xung quanh núm xoay có các vạch chia thời gian để hướng dẫn điều chỉnh thời gian nấu cho một số món ăn nhất định như: cơm, thịt, cháo, súp, đậu, sườn… Tuy nhiên hướng dẫn cài đặt thời gian này chỉ mang tính tham khảo, còn khi nấu bạn có thể cài đặt thời gian dựa trên kinh nghiệm nấu ăn. Nồi có 3 đèn chỉ thị trạng thái nấu: Cook (Nấu), Keep Pressure (Giữ áp suất), Keep warm (Giữ ấm).
Nồi áp suất điện điều khiển điện tử: có một bảng điều khiển điện tử với các chức năng nấu được cài đặt sẵn mà người dùng chỉ cần bấm vào các chức năng đó, nồi sẽ tự động nấu theo chương trình riêng của mỗi chức năng. Tuỳ thuộc vào từng model nồi mà số chức năng cài đặt sẵn này sẽ nhiều hay ít, thông thường có từ 6-10 chức năng. Người dùng cũng có thể sử dụng các nút cài đặt thời gian tăng giảm để tự điều chỉnh thời gian nấu cho các món ăn khác. Tất cả các chế độ cài đặt cũng như tình trạng hoạt động của nồi đều hiển thị trên màn hình và các đèn trạng thái để người dùng quan sát.
Hệ thống van xả áp suất
Hiểu được tâm lý người dùng hay lo sợ nguy cơ cháy nổ hoặc bỏng do nồi áp suất gây ra, nhà sản xuất đã trang bị cho nồi áp suất điện một hệ thống bảo vệ an toàn tuyệt đối, hạn chế những rủi ro không đáng có trong quá trình nấu.
Nồi áp suất điện (cả điều khiển cơ và điều khiển điện tử) đều có một van áp suất và một van khoá nồi. Khi bắt đầu chế độ nấu, bạn sẽ vặn van khoá nồi để đóng nồi lại, lúc này van xả áp vẫn ở tình trạng chưa đóng, bạn vẫn có thể mở nồi ra nếu cần, nhưng sau đó nồi sẽ đun nóng thực phẩm và đẩy dần van áp suất lên cao, hình thành một chốt chặn ở chỗ van áp suất, báo hiệu cho bạn biết áp suất trong nồi đang cao và bạn sẽ không thể mở nồi nếu chưa xả hết áp suất.
Ở nồi áp suất điện điều khiển cơ, khi đèn báo hiệu nồi đang nấu (cook) thì van áp suất sẽ chuyển dần từ mở sang đóng, sau đó van áp suất sẽ duy trì trạng thái đóng trong suốt thời gian nồi thực hiện Keep Pressure (tương đương với thời gian cài đặt của từng chương trình nấu), hết thời gian này nồi sẽ chuyển sang Keep warm, khi đó van áp suất sẽ tự xả từ từ cho đến hết. Nếu bạn cần mở nồi ra ngay sau khi hết thời gian nấu, bạn cần xả van áp suất cho đến khi có thể mở van khoá nồi, còn nếu bạn chưa mở nồi ngay, sau khoảng 15-30 phút thì nồi sẽ xả hết áp suất và bạn có thể mở nồi một cách an toàn.
Van áp suất trên nồi điện điều khiển cơ, người dùng cần gạt sang nút kín hơi khi nấu
Nồi điều khiển điện tử cũng có cơ chế tương tự, không cho phép bạn mở nắp nồi ra nếu chưa hết áp suất, hạn chế tối đa tình trạng bỏng vì nồi áp suất. Ngoài ra, khi áp suất trong nồi vượt quá giới hạn thì van xả áp sẽ tự động xả hơi để an toàn. Chế độ ngắt nhiệt tự động sẽ tự động ngưng nấu khi nhiệt độ bên trong nồi vượt mức cài đặt, đảm bảo độ bền lâu dài cho sản phẩm và an toàn cho người dùng.
Van xả thông minh cùng nút xả hơi thiết kế trên núm vung
Khả năng điều chỉnh nhiệt
Đối với nồi áp suất điện điều khiển cơ, núm vặn điều chỉnh thời gian sẽ chạy dần về 0 kể từ khi nồi kết thúc chế độ nấu và chuyển sang chế độ giữ áp suất, sau khi về 0 thì nhiệt độ và áp suất sẽ giảm dần. Chế độ Keep warm sẽ xả hết áp suất nhưng vẫn tiếp tục cung cấp nhiệt để giữ nóng thức ăn, thời gian giữ nóng này cũng sẽ vẫn làm thức ăn tiếp tục chín thêm, vì thế bạn có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian nấu của mình. Ví dụ nếu bạn không có nhiều thời gian cho món thịt bò kho, bạn hãy đặt thời gian khoảng 20-25 phút, hết thời gian này bạn chủ động xả van áp suất để lấy đồ ăn luôn. Nhưng nếu bạn có nhiều thời gian hơn, bạn có thể chỉ cần cài đặt 15 phút, sau đó để nồi tự xả áp suất và giữ nóng thêm khoảng 30-45 phút, món kho của bạn sẽ chín mềm ngon hơn, giống như được đun lửa liu riu vậy.
Hầu hết nồi điều khiển cơ chỉ đơn thuần là điều chỉnh thời gian nấu theo kinh nghiệm, cá biệt có loại của Khaluck (cụ thể model Khaluck.Home KL738) sẽ cho bạn chọn mức độ áp suất mong muốn bằng một núm vặn thứ hai, điều chỉnh áp suất từ Low đến High. Bạn có thể dựa vào tính chất món ăn cần nấu để điều chỉnh áp suất.
Nồi áp suất điện điều khiển cơ Khaluck.Home KL738 có thêm một núm vặn điều chỉnh áp suất
Nồi áp suất điều khiển điện tử sẽ tuỳ thuộc vào chế độ nấu bạn chọn để kiểm soát nhiệt độ và áp suất cũng như thời gian nấu. Nồi có thể linh hoạt và tự động “nhảy” nhiệt từ cao xuống thấp để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nhưng vẫn giữ được độ ngon của từng món ăn. Ví dụ khi muốn nấu món hầm thì đầu tiên đưa về chế độ thịt/xương, nhưng theo thời gian khi lượng nhiệt trong nồi quá lớn thì sẽ tự động chuyển sang chế độ nấu khác có nhiệt độ thấp hơn. Đặc biệt, trong khi nồi điều khiển cơ chỉ đơn thuần điều chỉnh thời gian nấu, thì hầu hết nồi áp suất điều khiển điện tử đều cho phép điều chỉnh độ chín của thức ăn (taste). Như trong mẫu BlueStone dưới đây, bạn có thể chọn chín vừa, chín mềm, chín nhừ, đồng thời có thể chọn nấu nhanh, nấu thường, nấu chậm.
Chức năng hẹn giờ nấu
Như bạn cũng thấy trong bảng điều khiển của chiếc nồi Bluestone ở trên có thêm chức năng Hẹn giờ nấu, chức năng này chỉ có trên một số model nồi điều khiển điện tử, nhưng chắc chắn không có trên các mẫu nồi điều khiển cơ. Nếu như bạn quan tâm đến khả năng hẹn giờ để nấu, hãy tìm mua những mẫu nồi có chức năng này.
Kết luận
Như vậy, các chế độ và khả năng kiểm soát áp suất, nhiệt độ và thời gian nấu của nồi áp suất điện điều khiển điện tử đa dạng hơn loại điều khiển cơ. Bù lại, nồi điều khiển cơ sẽ ít hỏng hóc hơn do loại điện tử thường hay bị hỏng bảng mạch điện tử. Nồi điều khiển cơ có cách thức vận hành đơn giản nhưng lại dựa nhiều vào kinh nghiệm của người nấu, còn nồi điều khiển điện tử có chức năng được cài đặt sẵn chỉ việc chọn nút sẽ dễ dàng cho người sử dụng khi vận hành.
Nồi áp suất điện cơ có giá dao động từ 700.000 – 1,7 triệu đồng, còn nồi điều khiển điện tử có giá từ 2 triệu đồng. Hy vọng qua bài viết trên các gia đình phần nào có thể hiểu được sự khác nhau của nồi áp suất cơ và nồi áp suất điện tử. Nếu cần hỗ trợ gì thêm hãy liên hệ dịch vụ chúng tôi đễ được hỗ trợ.