Chúng ta không thể phủ nhận được sự tiện lợi mà robot hút bụi mang lại cho chúng ta hàng ngày đúng không các bạn. Nhưng bên cạnh sự tiện dụng đó thì có một sự thật phủ phàng là chúng ta thường bỏ qua việc vệ sinh robot. Việc vệ sinh robot thường xuyên sẽ giúp máy hoạt động trơn tu và êm ái. Trong bài viết này Điện Lạnh Trường Thịnh Á Châu sẽ hướng dẫn các gia đình cách vệ sinh robot hút bụi đúng cách.
Theo kĩ sư đánh giá sản phẩm, Alex Nasrallah, của Consumer Reports thì “Ta thường quên mất rằng robot hút bụi cũng cần bảo trì định kì, do cách thiết kế ‘cài đặt một lần rồi kệ nó hoạt động’. Nhưng thực tế là bạn nên vệ sinh chúng mỗi tuần một lần hoặc thường xuyên hơn nếu nó hoạt động nhiều hơn 5 lần một ngày. Không thì chúng sẽ hoạt động kém hiệu quả hoặc thậm chí là chẳng thể khởi động nổi“.
Dưới đây là những phương pháp khuyên dùng bởi chuyên gia của Consumer Reports trong việc vệ sinh robot hút bụi. Các bạn có thể tham khảo để sau này có thể dễ dàng ứng xử với những vết bẩn và hậu quả mà nó mang lại đối với con robot hút bụi của mình.
Loại bỏ tóc và lông thú nuôi
Tóc hay lông của cả người và động vật là thứ hay bị kẹt nhất bên trong chổi quét và bánh xe của robot hút bụi. “Việc loại bỏ tóc khỏi những khe kẽ hay bàn chải là điều quan trọng bởi vì những yếu tố trên có thể cản trở không khí, rồi làm suy yếu lực hút của máy“, Nasrallah cho biết.
Rất nhiều mẫu robot hút bụi có đi kèm với lược hoặc công cụ để loại bỏ lông và tóc. Nhưng thường thì chúng không có mấy hiệu quả. “Đôi khi, một cái kéo hoặc dao làm bếp sẽ giúp loại bỏ tóc kẹt trong những khe nhỏ dễ dàng hơn“, Nasrallah bổ sung. Đối với một búi tóc rối vào nhau, một con dao sẽ là thứ hữu dụng nhất để xử lý chúng.
Khi dùng dao, hãy đặt con robot lật ngửa trên một bề mặt bằng phẳng. Sau đó từ từ nhấc mớ tóc lên để lưỡi dao có thể luồn xuống dưới và cắt qua chúng. Bạn cũng nên cắt theo từng rãnh xoắn trên thân của cây chổi quét. Một khi hầu hết các sợi tóc đã được gỡ rối, bạn có thể dùng tay không để loại bỏ chúng.
Tóc cũng có thể mắc xung quanh những bàn chải ở rìa máy, khiến chúng ngừng quay hoặc vướng vào lông chổi, làm cho chổi quét không thể đi sâu vào từng góc cạnh. Để khắc phục, hãy tháo chổi quét ở rìa máy ra rồi kéo và loại bỏ mớ tóc rối. Nếu cây chổi bị uốn cong, không giống với hình dạng ban đầu, hãy nhẹ nhàng uốn thẳng nó trở lại. Một số nhà sản xuất lại chỉ cho người dùng cách giải quyết khác. Ví dụ, Eufy khuyên nên đổi bên của hai chổi cho đến khi chúng lại bị cong theo chiều ngược lại.
Nếu những cách này không hiệu quả hoặc nếu chổi quét đã quá cũ, bạn nên tìm và thay chổi mới. “Việc thay thế rất dễ dàng và không cần kinh nghiệm“, Nasrallah khẳng định. Có hãng còn tặng kèm chổi thay thế, đóng sẵn trong hộp đựng sản phẩm.
Vệ sinh cảm biến
Việc giữ cho cảm biến của robot luôn sạch sẽ cũng rất quan trọng. Chắc chắn là bạn sẽ không muốn chú robot của mình “lao đầu” vào vật dụng hay “ngã” cầu thang chỉ vì “mắt” của chúng bị che lấp bởi một lớp bụi.
Đầu tiên, hãy tìm vị trí mà nhà sản xuất đặt cảm biến bằng cách đọc hướng dẫn sử dụng đi kèm máy hoặc tìm kiếm trên trang chủ của hãng. Một vài hãng sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho việc vệ sinh sản phẩm. Ví dụ, iRobot khuyên người dùng nên dùng một miếng bọt biển xốp thấm nước để lau chùi cảm biến (nếu có). Còn đối với đa số mẫu robot hút bụi thì lau cảm biến bằng một mảnh vải khô thôi cũng là đủ rồi. “Bạn chẳng cần phải thấm nước hay sử dụng xà phòng đâu“, Nasrallah cho biết. “Chỉ cần lau cảm biến kĩ càng sao cho nó không bị chen chắn bởi bụi là được“. Còn nếu gặp phải một vết bẩn cứng đầu, bạn mới cần tới một mảnh vải ẩm.
Kiểm tra bánh xe
Nếu phát hiện con robot của mình đi chuyển theo một “quỹ đạo” kì lạ, thì nguyên nhân có thể nằm ở việc bánh xe bị kẹt ở các đầu nối. Nếu có thể, hãy tháo bánh xe và loại bỏ bất kì mảnh vụn nào mà bạn có thể thấy ở trong các đầu tiếp xúc, cùng tóc với bụi bẩn kẹt lại trên trục bánh xe. Đừng quên lau bánh xe trước khi lắp lại vào máy. Còn nếu không thể tháo bánh xe, hãy cố loại bỏ nguyên nhân gây kẹt bánh bằng một con dao. Đây là cách hữu dụng trong hầu hết các trường hợp. Lưu ý là nếu không thể tháo bánh xe, đừng tự ý vặn ốc cố định bánh trước khi tham khảo thông tin từ nhà sản xuất bởi làm vậy có thể sẽ khiến sản phẩm của bạn bị từ chối bảo hành.
Xử lý vấn đề với những thứ “không sạch”
Chắc hẳn sẽ có người gặp phải sự cố hi hữu như con robot hút bụi của họ vô tình làm dây bãi nôn mửa và thậm chí là phân thú nuôi ra khắp nhà. Khi rơi vào trường hợp này, bạn nên tháo bỏ khay đựng rác và bất kì bộ phận có thể tháo rời khác rồi lau chùi cẩn thận với một tấm bông xốp ẩm. Bất kì loại chất tẩy rửa không ăn mòn nào tương thích với đồ điện tử sẽ đều sử dụng được. Trong trường hợp muốn khử trùng máy hút bụi, bạn có thể sử dụng khăn thấm cồn Isopropyl. Bạn nên cẩn thận để tranh không gây bất kì hư hại nào cho loại vật liệu có trên bề mặt của máy. Hãy cẩn thận xịt một lượng nhỏ nước tẩy rửa hoặc nước sát trùng (nhớ là chỉ một lượng nhỏ thôi đấy) lên miếng bọt biển rồi vệ sinh con robot.
Khi vệ sinh thân máy, hãy chỉ sử dụng một miếng bọt biển ẩm (không phải ướt sũng nước) và tránh bất kì khe hở nhỏ nào bởi đây có thể là điểm sẽ khiến nước lọt vào máy. Bạn có thể ngâm khay chứa rác của robot vào bồn nước hoặc dùng vòi xịt, tuỳ thuộc vào mức độ của vấn đề mà mình mắc phải. Và khi lắp bộ phận này vào máy, nhớ phải đảm bảo rằng nó đã hoàn toàn khô ráo.
Bảo trì tấm lưới lọc
Bộ lọc nên phải được làm sạch sau 10 chu trình quét dọn hoặc sau khoảng một tuần hoạt động. Đầu tiên, hãy tháo nó ra khỏi máy và nhẹ nhàng vỗ nó vào thành thùng rác để loại bỏ bụi bẩn. Bạn cũng có thể sử dụng máy hút bụi cầm tay để vệ sinh lưới lọc, hoặc dùng bàn chải mềm (tránh làm bẩn tay) để đánh bay bụi bẩn vào thùng rác.
Nếu nghi ngờ lưới lọc bị ướt (ví dụ như khi nó cuộn vào một nước rây ra trên sàn nhà) hoặc nếu thấy có vết cặn bẩn bám trên mặt tấm lọc, hãy thay bộ lọc mới luôn. “Nhiều tấm lọc được làm từ giấy nên rất dễ hỏng nếu bị vào nước“, Nasrallah cho biết.
Trung ND/Vnreview theo Consumer Reports/